(Nem chua
Thanh Hóa tại Sài Gòn) – Người ta hay gọi
chúng tôi là “Dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu”. Mặc định Cây rau má được
gắn mác cho người Xứ Thanh và trong suy nghĩ nhiều người, câu nói này có ý giễu
cợt người Thanh Hóa. Vậy, hãy cùng Hàng nem mẹ gửi đi tìm hiểu ý nghĩa của câu
nói này nhé.
Nếu như Xứ Nghệ người ta hay gọi là dân cá gỗ, Xứ Thanh – Thanh Hóa
chúng tôi thì được “ưu ái, mến thương” đặt cho biệt danh (hay gọi là biểu tượng
cũng được) “dân rau má”. Cây rau má có lẽ mọi công dân Việt Nam, trên mọi miền
tổ quốc ai cũng biết. Thế giới thì tôi không dám chắc (trình độ tôi có hạn).
Nếu không biết cây rau má có lẽ bạn không phải người Việt Nam( đùa thôi ). Cũng
chính vì thế mà Thanh Hóa chúng tôi cũng được thơm lây, ai cũng biết.
Đi đâu, làm gì ai có hỏi anh,em… quê ở đâu ? Trả lời ngay và luôn :
– “dạ, anh (em) quê Thanh Hóa“.
Thế là người đối diện, mắt chữ “O”, mồm chữ “B” :
– À, dân rau má.
Thế đấy, nổi tiếng thế đấy, dân rau má mà.
Dù muốn hay không, người Thanh Hóa mặc định được gắn mác là dân rau má.
Nhiều vùng miền, tỉnh thành được gắn với một biệt danh nào đó chứ chả riêng
vùng đất chúng tôi. Vấn đề chả có gì nghiêm trọng nếu người ta gọi biệt danh đó
với sự vô tư, thoải mái. Có nhiều người gọi với một ý nghĩa sâu xa đến khó
chịu. Nói thẳng toẹt ra là sự kì thị, coi thường. Ừ thì cứ cho là: “Dân Thanh
Hóa ăn rau má phá đường tàu”, hay ” Ước mơ lớn nhất của người Thanh Hóa là lá
rau má to bằng cái lá sen” đi. Vậy khi nói những câu nói trên, chưa chắc người
ta đã hiểu rõ nguồn gốc, gốc tích của câu nói này. Nhiều người Thanh Hóa cảm
thấy tự ti khi giới thiệu về quê hương mình. Bản thân nhiều người không thoải
mái lắm khi nghe người khác gọi mình như vậy. Tuy nhiên cũng không ít người cảm
thấy hài hước khi bị gọi là “Dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu”.
Vì sao vậy? Chính nhiều người Thanh Hóa chưa chắc biết tại sao lại có
câu nói đó, thế hệ ông cha thì tôi không dám chắc, chứ thế hệ chúng tôi thì chả
thấy tài liệu chính thống nào giải thích ý nghĩa câu nói đó. Nếu có thì cũng là
nghe kể về một vài sự tích, một vài câu chuyện theo kiểu truyền miệng mà thôi.
Không có sách báo, tài liệu nào khẳng định. Nhưng chúng ta hãy cùng xem các câu
chuyện, sự tích đó là gì nha.
Câu chuyện thứ nhất, nổi tiếng nhất đó là ngày xưa khi Pháp đã hoàn toàn
chiếm được nước ta chúng bắt đầu đi vào khai thác, vơ vét sản vật của nước ta.
Để dễ dàng hơn cho việc vận chuyển, chúng cho làm đường sắt. Khi làm đường tàu
đến huyện Hoằng Hóa thì người dân nơi đây với sự căm thù giặc sâu sắc, tinh
thần đấu tranh với kẻ thù mọi lúc khi có điều kiện đã tổ chức phá hủy đường sắt
của giặc. Công việc của thực dân cướp nước cực kỳ khó khăn, làm mãi không xong.
Giặc cứ làm còn ta cứ phá. Quan Pháp tức tối triệu quan huyện Hoằng Hóa mà hỏi
rằng: Tại sao đường sắt làm đến khu vực này thì làm hoài không xong, sao không
ngăn dân chúng phá đường tàu. Quan huyện vốn cũng là một người yêu nước, mới
nói rằng: “thưa quan, chúng tôi cũng tìm cách ngăn dân lại đó chứ ạ. Nhưng dân
chúng tôi khổ quá không có gì ăn nên phải ăn rau má, mà Cây rau má trên đường
tàu vừa nhiều, non và ngon nhất. Dân tôi không cố ý đâu ạ.“. Từ đó câu nói “Dân
Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu” luôn được gắn liền với dân Thanh Hóa.
Câu chuyện thứ hai là: ” Thời kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa là một
trong những hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến. Thanh Hóa huy động hàng
vạn dân công, bộ đội phục vụ vận tải chiến đấu. Gian khổ phải ăn Cây rau má cầm
hơi, phá đường tàu Pháp lấy sắt rèn đao kiếm súng ống. Nói đến đây bạn đã hiểu
gì chưa nhỉ. Vâng chúng tôi đúng là có ăn rau má, nhưng là để tiết kiệm gạo cơm
góp cho chiến trường. Chúng tôi có phá đường tàu, nhưng là đường tàu địch và
chúng tôi phá đề rèn dao kiếm, súng ống cho chiến trường đó.
Qua 2 câu chuyện trên thì rõ ràng câu nói: “Dân Thanh Hóa ăn rau má phá
đường tàu” là có ý khen ngợi, cảm phục sự chịu khó, anh hùng của người Thanh
Hóa trong chiến đấu chống ngoại xâm đó chứ. Ấy vậy mà ngày nay, ý nghĩa của câu
nói đó lại bị một số người cố tình làm sai lệch đi.